Chỉ trong đợt chuyển nhượng gần đây nhất, các CLB Trung Quốc đã chi hơn 200 triệu bảng mua sắm ngôi sao the thao Châu Âu. Chỉ mỗi anh chàng Alex Teixeira “nào đấy” đã khiến CLB Jiangsu Suning mất phí chuyển nhượng gần 40 triệu bảng, chưa kể lương bổng!

MLS , Super League hay J.League sẽ thu hút nhiều sao


Sức mua của Chinese Super League áp đảo cả Premier League và chỉ thua khoảng 40 triệu bảng so với sức mua tổng cộng của cả 5 giải VĐQG lớn nhất châu Âu trong “cửa sổ mùa Đông” 2016!


Alex Teixeira hoặc rất nhiều ngôi sao khác như Gervinho, Paulinho, Asamoah Gyan, Ramires, Demba Ba, Tim Cahill... có cải thiện đẳng cấp cho bóng đá Trung Quốc hay không, cũng rất khó nói. Không khó suy luận: tiền là sức hút lớn nhất để các ngôi sao luống tuổi từ châu Âu kéo sang Trung Quốc.

Tiền của các CLB nhà giàu ở Super League từ đâu ra, thì ít ai biết. Chỉ biết chắc hai điều: một khán giả trung bình của Super League hiếm khi sẵn lòng bỏ ra vài trăm USD để mua áo, mũ “chính hãng” của Adidas hoặc Nike - nếu các đại gia ấy chịu chi tiền quảng cáo, tài trợ. Và, Super League khó bán được bản quyền truyền hình ra ngoài Trung Quốc. Mà bản quyền truyền hình và khả năng kinh doanh hình ảnh CLB mới là hai yếu tố quan trọng nhất làm nên sức sống cho một giải bóng đá nhà nghề.

MLS - do theo một thể chế khác, thuộc về một môi trường khác - thật ra là một giải... nghèo. Đa số cầu thủ ở MLS chỉ lãnh mức lương cơ bản dưới 100.000 USD/năm. Nhưng Kaka, David Beckham, Frank Lampard, Thierry Henry, Steven Gerrard, Andrea Pirlo... vẫn rủ nhau sang MLS. Và khi chiêu mộ được các ngôi sao như thế, MLS bán được bản quyền truyền hình ở châu Âu với giá 20 triệu USD. Vấn đề “mua hàng chính hãng” trên thị trường thể thao Mỹ thì chắc không cần bàn nữa.


Nhìn chung, có 4 dòng thác mạnh đủ sức kéo các ngôi sao hàng đầu thế giới ra khỏi bóng đá châu Âu khi họ đã luống tuổi và không còn nhiều tham vọng chinh phục vinh quang. Một là bóng đá Trung Đông. Tiền của các đội nhà giàu ở Saudi Arabia, Qatar hoặc UAE không thể giúp các nền bóng đá này che đậy quá nhiều khiếm khuyết, nên sân cỏ Trung Đông rút cuộc cũng đã hụt hơi trong cuộc cạnh tranh ngôi sao tầm cỡ thế giới.

Giải J.League của Nhật cũng từng nổi đình nổi đám. Nhưng đấy là chuyện của 20 năm trước, và xem ra sứ mệnh “truyền đạo” của những Zico, Pierre Littbarski, Toto Schillaci, Gary Lineker... đã lùi vào lịch sử, ở nơi mà môn bóng chày vẫn là số 1. Bây giờ, bóng đá Nhật tự lực cánh sinh hơn là trông chờ ngôi sao đến từ bên ngoài. Chỉ còn mỗi cuộc cạnh tranh giữa Super League và MLS là hấp dẫn nhất. Mỗi nơi mỗi cảnh.

Cầu thủ giỏi bên ngoài đến Mỹ, ngoài chuyện “dối già” thì còn tính chuyện định cư, nhập tịch trong khi các ngôi sao đến Trung Quốc hầu như chẳng có mục tiêu nào khác ngoài chuyện lương bổng “hốt cú chót”. Cũng chỉ là những chọn lựa khác nhau. Nhưng rõ ràng, ít ai “tính kế lâu dài” ở Chinese Super League. Hãy hỏi Didier Drogba!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Tags:
Top